TIN TÔN GIÁO

ÐỨC ÔNG VINH SƠN TRẦN NGỌC THỤ, NGUYÊN BÍ THƯ CỦA ÐTC, QUA ÐỜI

ROMA: Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, nguyên bí thư của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã qua đời lúc 6 giờ rưỡi sáng ngày 15-7-2002 tại nhà thương bách khoa Gemelli, vì bị nhồi máu cơ tim, thọ 84 tuổi.

TIỂU SỬ
Ðức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ sinh ngày 12 tháng 5 năm 1918 tại Ðông Hải thuộc làng Văn Hải, giáo phận Phát Diệm và là con thứ 4 trong gia đình có 8 người con. Chú Trần Ngọc Thụ đã theo học tại trường tập Ba Làng Thanh Hóa rồi lên Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc. Sau khi mãn Tiểu Chủng Viện, thầy Thụ được gửi đi du học tại Trường Truyền Giáo ở từ năm 1937 đến 1942. Sau khi chịu chức Linh Mục ngày 20 tháng 12 năm 1942, cha Thụ tiếp tục học tại Ðại Học Giáo Hoàng Urbaniana, lấy tiến sĩ Triết Học năm 1945 và Tiến Sĩ Thần Học năm 1946. Sau đó cha Thụ đi tu nghiệp về Quốc Tế Công Pháp tại đại học Louvain bên Bỉ từ năm 1946 đến 1949.

Năm 1949 Ðức Cha Lê Hữu Từ gọi ngài về Phát Diệm làm giáo sư thần học tại Ðại chủng viện Thượng Kiệm. Từ 1951 đến 1955 Cha Thụ làm Bí Thư Tòa Giám Mục Phát Diệm. Năm 1954 ngài di cư vào nam cùng với các linh mục chủng sinh và tu sĩ Phát Diệm và thay Ðức Cha Lê Hữu Từ lo chỗ ăn ở cho mọi người. Cũng trong thời gian này, Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, GM giáo phận Sàigòn, đặt Ngài làm cha chính lo cho giáo dân di cư từ bắc vào nam. Sau khi mãn nhiệm vụ ngài được mời làm việc tại Tòa Khân Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam từ năm 1957 đến khi rời Việt Nam năm 1976.

Sau một thời gian nghỉ ngơi ở Roma, Ðức ông Thụ được mời làm việc tại Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh. Năm 1987, ÐHY Giuse Trịnh Văn Căn đặt ngài làm thỉnh nguyện viên án phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam và ngài đã tổ chức lễ Tôn Phong Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 cùng với hai thỉnh nguyện viên dòng Ða Minh và Hội Thừa Sai Paris. Ngày mùng 7 tháng giêng năm 1988 ngài được Ðức Gioan Phaolô II chọn làm bí thư cho tới năm 1995. Sau đó Ðức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ được chọn làm Kinh Sĩ đền Thờ Thánh Phêrô. Từ cuối năm 2000, Ðức Ông Thụ bị bệnh thận và tim, được chữa trị tại các nhà thương tại Roma như Spirito Santo, IDI, Gemelli. Sau đó ngài về hưu tại nhà hưu dành cho các Giáo Sĩ thuộc Giáo Phận Roma San Gaetano. Ngày 9-7-2002, ngài được đưa cấp tốc vào nhà thương Gemelli để điều trị vì bệnh dồi máu cơ tim. Sáng ngày 14-7-2002, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 đã cử một Ðức Ông đến thăm ngài và gởi tới ngài những lời khích lệ cũng như tặng ngài một cỗ tràng hạt.

LỄ AN TÁNG
Lúc 9 giờ 30 sáng ngày 20-7-2002, ÐHY Giovanni Battista Re, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã chủ sự thánh lễ an táng cho Ðức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ tại Ðền Thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với ÐHY Re, có 4 TGM và GM trong đó có Ðức TGM Leonardo Sandri Phụ Tá Quốc Vụ Khanh và Ðức cha Stanislaw Diszwicz, Bí thư của ÐGH, và khoảng gần 40 Linh Mục gồm các vị Kinh Sĩ Ðền Thờ Thánh Phêrô.

Hiện diện trong thánh lễ còn có ÐHY Martinez Somalo, Tổng Trưởng Bộ các dòng tu, và hai vị nguyên Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam là ÐHY Giuseppe Caprio và Ðức TGM Henri Lemaitre. Ngoài ra còn có Ðức TGM Francesco Marchisano, Tân Giám quản Ðền Thờ Thánh Phêrô và Ðức Cha Vittorio Lanzani, Phụ tá Giám quản Ðền Thờ Thánh Phêrô. Bên cạnh hai bào đệ của Ðức Ông Vinh Sơn Thụ, các em họ và các cháu cùng thân nhân tới từ Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, còn có anh chị em Liên Tu Sĩ Roma và nhiều nữ tu các dòng quen biết Ðức ông Thụ.

Bắt đầu thánh lễ Ðức TGM Sandri đã đọc điện tín phân ưu của ÐGH Gioan Phaolo II và của ÐHY Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng. Ðức TGM Sandri cho biết ÐGH đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ðức ông Thụ khi nghe tin ngài qua đời và trong lúc này đây ngài cũng hiệp ý cầu nguyện cho Ðức Ông Thụ. Ðiện tín của ÐTC gửi cho ÐTGM Francesco Marchisano, Tân giám quản Ðền Thờ Thánh Phêrô viết: "Nghe tin đau buồn sự qua đi của Ðức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ Kinh sĩ Ðền Thờ Thánh Phêrô sau bao nhiêu năm dài phục vụ quảng đại Tòa Thánh trước tiên trong Tòa Khâm Sứ Sài Gòn Việt Nam, rồi trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và sau cùng như là cộng sự viên mẫn cán trong văn phòng thư ký riêng của tôi. Tôi cầu xin Thiên Chúa là Mục Tử ban phần thưởng xứng đáng của người công chính cho linh hồn trung tín của Ðức ông và cũng xin Ðức Cha chuyển lời phân ưu sâu xa của tôi cũng như phép lành Tòa Thánh tới thân nhân của đức ông và tất cả những ai tưởng nhớ Ðức ông với lòng qúy mến".

Tiếp đến là điện tín ÐHY Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, TGM Hà Nội gửi ÐTGM Marchisano. ÐHY viết: "Chúng tôi vừa nhận được tin Ðức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ về với Chúa. Tôi xin hiệp thông với nỗi buồn đau của Kinh Sĩ đoàn. Tôi đã dâng thánh lễ và cầu nguyện cho linh hồn Ðức Ông. Xin ÐC nhận nơi đây lòng quý trọng sâu xa của tôi".

Ngoài ra ÐC Phaolô Nguyễn Văn Hòa GM Nha Trang, Chủ tịch HÐGM Việt Nam cũng đã gửi cho Ðức TGM Marchisano một điện tín như sau: "Chúng tôi vừa nhận được tin Ðức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ qua đời. Nhân danh HÐGM VN tôi xin gửi tới Ðức Cha và Kinh sĩ đoàn Ðền Thờ Thánh Phêrô lời phân ưu sâu xa chân thành nhất. Chúng tôi cầu xin cho linh hồn của Ðức ông Vinh Sơn mau về thiên đàng".

BÀI GIẢNG
Giảng trong thánh lễ, ÐHY Re đã nhắc lại vài mốc chính trong cuộc đời của Ðức Ông Thụ. Chào đời cách đây 84 năm tại Việt Nam và trở thành linh mục của giáo phận Ðà Lạt tới nay đã 60 năm. Ðức ông Vinh Sơn đã chứng kiến các nổi khổ đau của Giáo Hội Việt Nam trong chế độ cộng sản. Tại Sài Gòn ngài phục vụ trong Tòa Khâm Sứ từ năm 1957 đến 1976, tức cho tới khi nhà nước cộng sản Việt Nam trục xuất Ðức Khâm Sứ Henri Lemaitre và bị bắt buộc rời khỏi Việt Nam, đem theo về Roma những gì có thể đem được từ văn khố của Tòa Khân Sứ. Tại Roma Ðức Ông Thụ đã phục vụ trong Phủ Quốc vụ Khanh 11 năm trời cho tới năm 1987. Nhớ lại những ngày Ðức ông Thụ còn làm việc chung với ngài, ÐHY Re nói: "Tôi còn nhớ rõ thời Ðức ông tới Roma. Chúng tôi đã là đồng nghiệp với nhau. Ðức ông Thụ luôn luôn là một người đơn sơ, không tham vọng, thanh thản và nồng nhiệt với tất cả mọi người. Ðức ông luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ, và có một lòng kiên nhẫn vô biên, chân thành, trung thực, thích trông thấy nơi các bạn đồng nghiệp các khía cạnh tích cực hơn là tiêu cực. Ðức ông đã là một cộng sự viên qúy báu bởi vì ngài được linh hoạt bởi thiện chí, cần mẫn và thông minh. Ngài rất sắc nhọn trong các nhận xét, nhưng luôn luôn ý thức được các hạn hẹp của mình. Hơn nữa sự cẩn trọng bẩm sinh khiến cho ngài thụt lùi một bước chứ không bao giờ tiến thêm một bước". Ngày mùng 7 tháng giêng năm 1988 Ðức Gioan Phaolo II gọi Ðức Ông làm việc trong văn phòng bí thư riêng của Ngài cho đến khi về hưu năm 1995. Nhân dịp Ðức Ông kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục ngày 20 tháng 12 năm 1992, ÐTC đã đồng tế thánh lễ với Ðức Ông Thụ trong nhà nguyện riêng và tặng Ðức ông một chén thánh. Chính ÐTC đã đánh giá cao công việc luôn luôn kín đáo và trung thành của Ðức Ông và ngài luôn nhớ ơn đức ông. ÐTC hiệp lời cầu nguyện và đã muốn được đại điện trong thánh lễ an táng này".

Sau thánh lễ cộng đoàn Việt Nam tại Roma đã cùng thân nhân tiễn Ðức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ ra nơi an nghỉ cuối cùng trong phần mộ của Kinh Sĩ Ðoàn tại Campo Verano, là nghĩa trang chính của thành phố Roma. Ðức Ông Phanxico Trần Văn Khả đã chủ sự lễ nghi chôn cất và hạ huyệt.

Cũng nên nói thêm rằng, ÐHY Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, đã gởi điện văn đến ông Trần Văn Chẩm, bào đệ Ðức Ông Vinh Sơn Thụ, để chia buồn với toàn thể thân nhân và hứa sẽ cầu nguyện, xin Thiên Chúa Sự Sống đón rước linh hồn người quá cố vào nơi an bình Thiên Quốc (TVK LTK 20-7-2002).

ÐTC VIẾNG THĂM BA LAN LẦN THỨ 8

VATICAN. ÐTC đã về thăm quê hương Ba Lan lần thứ 8, từ ngày 16 đến 19-8-2002. Cuộc viếng thăm được chào mừng như một thành quả lớn, và cho thấy nhân dân Ba Lan vẫn nồng nhiệt yêu mến vị Giáo Hoàng đồng hương của họ.

Chủ đích chính cuộc viếng thăm, như chính ÐTC đã nói, là để để cung hiến Ðền Thánh Lòng Từ Bi Chúa ngày 17-8-2002. Thánh đường này mới được xây cất trong vòng 3 năm qua và ngày càng trở thành trung tâm truyền bá sự sùng kính lòng Từ Bi Chúa do thánh nữ Faustina Kowalska khởi xướng theo lệnh của Chúa Giêsu. Chính ÐTC cũng giữ một vai trò quan trọng trong quảng bá lòng sùng kính này: khi mới lên làm TGM Cracovia, ngài đã can thiệp xin Bộ Giáo lý đức tin thu hồi lệnh cấm đọc các tác phẩm của nữ tu Faustina, cho dịch lại các Nhật ký của chị, đồng thời xúc tiến việc làm án xin phong chân phước cho chị. Chính ÐTC đã cử hành việc phong chân phước và hiển thánh cho nữ tu Faustina cũng như đã thiết định chúa nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh hằng năm là ngày lễ Chúa Từ Bi, và mới đây đã quyết định ban ơn toàn xá cho những tín hữu nào cử hành ngày lễ này.

Cùng chủ đề "Lòng Từ Bi Chúa" cũng được chọn cho thánh lễ ÐTC cử hành sáng chúa nhật 18-8-2002, tại công viên Blonie để tôn phong 4 vị tôi tớ Chúa lên bậc chân phước, gồm 1 GM, 2 LM và 1 nữ tu. Sau cùng là thánh lễ ngài cử hành tại Ðền thánh Kalwaria Zebrzydowska, nhân dịp kỷ niệm 400 năm cung hiến thánh đường này kính nhớ Sự Thương Khó của Chúa Kitô và Ðức Mẹ Sầu Bi.

Ðền thánh Chúa Từ Bi, cao 25 mét, dài 75 mét, rộng 45 mét, có hai tầng và tháp cao. Thánh đường có thể chứa được 5 ngàn người, gian cung thánh có chỗ cho 100 vị đồng tế, bên trên Nhà Tạm là bức ảnh Chúa Từ Bi. Gác đàn nhà thờ có chỗ cho ca đoàn 600 người. Khu vực tiền đường có thể tiếp đón 8 ngàn người nữa. Ðàng sau Nhà thờ là một ngọn tháp chuông cao 77 mét. Thêm vào đó còn có một nhà tĩnh tâm, một nhà trọ đón tiếp các tín hữu tín hữu hành hương, một khu vực đón tiếp các bà mẹ độc thân và những người không nhà cửa. Tổng cộng phí tổn là 20 triệu mỹ kim do các ân nhân các nơi đóng góp, trong đó có cả Tòa Thánh.

Vì chỉ có hơn 12 ngàn người được vào khu vực Ðền thánh, nên dọc đường có tới 200 ngàn người đứng chào ÐTC dưới trời nắng đẹp.

Trong thánh lễ, ÐTC đã phó thác thế giới cho Lòng Từ Bi Chúa. Trước khi ban phép lành cho mọi người, ÐTC còn nhắc lại một kỷ niệm cá nhân: trong thời thế chiến thứ 2 khi Ba Lan còn bị Ðức Quốc Xã chiếm đóng, ngài vẫn đi bộ tới xưởng hóa học qua địa điểm này, và nói rằng: "Khi còn trẻ, tôi vẫn đi guốc từ nhà tới hãng Solvay, và tôi không nghĩ rằng một ngày kia, người đi guốc như thế sẽ cung hiến Vương cung Thánh Ðường Chúa Từ Bi ở nơi mà bao nhiêu lần tôi đã dừng lại để cầu nguyện khi đi làm về. Anh chị em có thể tưởng tượng nổi điều đó hay không?". Mọi người nồng nhiệt vỗ tay.

Thánh lễ tôn phong 4 chân phước mới của Ba Lan đã thu hút 2,7 triệu người đến dự, thánh lễ đông nhất trong lịch sử Giáo Hội Ba Lan.

Sáng ngày 19-8-2002, ÐTC đến viếng Ðền Thánh Kalwaria Zebrzydowska dâng kính Sự Thương Khó của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Sầu Bi, nhân dịp kỷ niệm 400 năm cung hiến Ðền thánh này. Ðền Thánh này được khởi công xây cất hồi năm 1600, mô phỏng và mang tên như nhà nguyện trên núi Canvario ở Jerusalem, ghép với tên của vị ân nhân Nicola Zebrzydowski. ÐTC đã cử hành thánh lễ tạ ơn cùn gvới 40 HY, GM và LM đồng tế, trước sự hiện diện của 500 tín hữu ngồi chật Thánh đường. Bên ngoài hơn 20 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ dưới trời nắng, qua màn truyền hình khổng lồ và loa phóng thanh.

Cuối bài giảng, ÐTC bày tỏ quyết tâm chu toàn sứ vụ Giáo Hoàng cho đến cùng, gián tiếp bác bỏ những tin đồn ngài sẽ từ chức. ÐTC nói: "Lạy Mẹ Chí Thánh, Ðức Bà Kalvaria, xin cũng giúp con được sức mạnh hồn xác để con có thể chu toàn đến cùng sứ mạng Chúa Phục Sinh đã ủy thác cho con. Con xin dâng cho Mẹ tất cả mọi thành quả cuộc sống và sứ vụ của con; con phó thác cho Mẹ vận mệnh của Giáo Hội, của đất nước con, con tín thác nơi Mẹ và một lần nữa con thưa với Mẹ rằng "Totus Tuus", Lạy Mẹ Maria, toàn thân con thuộc về Mẹ. Amen."

THÁNH LỄ HÒA GIẢI ÐỨC VÀ BA LAN TẠI AUSCHWITZ

AUSCHWITZ. Sáng thứ sáu, 9-8-2002, một số GM Ðức và Ba Lan đã cử hành thánh lễ đồng tế tại nhà nguyện Nữ Ðan viện Cát Minh gần trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải.

Thánh lễ được cử hành nhân dịp kỷ niệm 60 năm thánh nữ Edith Stein, tên dòng là Têrêsa Benedetta Thánh Giá, bị Ðức quốc xã sát hại tại trại tập trung này. Ðức Cha Tadeusz Rakoczy, GM giáo phận Bielsko-Zywiec sở tại nói rằng: "Việc nhớ lại trại tập trung Auschwitz là một vết thương ngày nay vẫn còn rướm máu. Tuy nhiên, nhờ những tấm gương về sự chiến thẳng của tình thương trên oán thù, Auschwits không còn là môt phần đất bị chúc dữ, nhưng là phần đất thánh thiêng", kêu gọi Âu Châu cùng nhau kiến tạo một nền văn minh tình thương. Thánh nữ Edith Stein vốn là một nữ triết gia Do thái trở lại Công Giáo, có thể là một biểu tượng về mối liên hệ giữa người Ðức và Ba Lan, giữa các tín hữu Kitô và Do thái, giống như thánh Maximiliano Kolbe, dòng Phanxicô Viện Tu, đã bị sát hại tại Auschwitz.

Ðại diện HÐGM Ðức hiện diện tại buổi lễ tưởng niệm có ÐHY Friedrich Wetter, TGM giáo phận Munich, và Ðức Cha Josef Homeyer, GM giáo phận Hildesheim ở miền bắc Ðức. Trong số các vị đại diện HÐGM Ba Lan có ÐHY Macharski, TGM Cracovia, và Ðức Cha Henryk Muszynski, TGM giáo phận Gniezno, kiêm Chủ tịch Ủy ban GM về liên lạc giữa Ðức và Ba Lan (KNA 9-8-2002)

TỔNG THỐNG BẠCH NGA TUYÊN BỐ SẴN SÀNG ÐÓN ÐTC VÀ THƯỢNG PHỤ ALEXIS II

MINSK. Tổng thống cộng hòa Bạch Nga, Ông Alexander Lukashenko, tuyên bố sẵn sàng đón tiếp cuộc gặp gỡ giữa ÐTC Gioan Phaolô 2 và Ðức Thượng Phụ Alexis II, Giáo chủ Chính Thống Nga.

Tổng thống Lukashenko tuyên bố như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Bạch Nga truyền đi tối ngày 22-8-2002. Ông nói: "Tôi biết lập trường của ÐGH và tôi rất tôn trọng ngài. Tôi biết ngài đã nói là sẵn sàng viếng thăm Bạch Nga". ÐTC cũng nhiều lần bày tỏ mong ước và sẵn sàng gặp gặp Ðức Thượng Phụ Chính Thống Nga để đẩy mạnh quan hệ giữa hai Giáo Hội và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, Ðức Thượng Phụ Alexis II thường liên tục chỉ trích Công Giáo và nói rằng chỉ sẵn sàng gặp ÐGH khi nào các vấn đề giữa hai Giáo Hội được giải quyết xong.

Giáo Hội Công Giáo vẫn thường bác bỏ những lời trách cứ được lập đi lập lại của Chính Thống Nga cho rằng Công Giáo chiêu dụ tín đồ của Chính Thống trên lãnh thổ Nga qua các hoạt động truyền giáo tại nước này.

Trong số 10 triệu dân tại Bạch Nga, có 70% theo Chính Thống Nga, và 30% theo Công Giáo. ÐTC chưa viếng thăm nước này, cũng vì sự chống đối của Chính Thống Nga. (Apic 22-8-2002)

1 TGM IRAK KÊU GỌI LHQ CHẤM DỨT CẤM VẬN IRAK

EVANSTON. Ðức TGM Djbrael Kassab, của giáo phận Basra, thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Can Ðê ở Irak, kêu gọi nhân dân Hoa Kỳ yêu cầu LHQ chấm dứt cuộc cấm vận kinh tế chống Irak từ hơn 10 năm nay.

Trong bài giảng thánh lễ tại Nhà thờ thánh Nicholas ở thành phố Evanston, bang Illinois, Hoa Kỳ, hôm chúa nhật 18-8-2002, Ðức TGM Kassab nói cuộc cấm vấn do Hoa Kỳ ủng hộ chống Irak đã làm tê liệt nước này, gây ra chết chóc, bệnh tật, nạn nghèo đói và các trẻ em sinh ra bị tật nguyền tại nước này. "Với tất cả quí vị là những người có lương tâm, chúng tôi lên tiếng xin quí vị trợ giúp để chấm dứt cuộc cấm vận, các biện pháp trừng phạt chống lại nhân dân Irak, và hãy thực thi công lý để chúng tôi kiếm được những gì cần thiết cho cuộc sống hằng ngày".

Ðức TGM Kassab nhận định rằng các biện pháp cấm vận giới hạn mọi việc mậu dịch với Irak để buộc nước này phải tuân hành lệnh của LHQ về việc loại trừ các võ khí hóa học và vi trùng. Trong thực tế, các biện pháp trừng phạt ấy tạo nên tình trạng thiếu thốn lương thực và thuốc men, làm cho nhiều người già và trẻ em bị bệnh tật và thiệt mạng.

Ðức TGM Kassab mô tả đời sống hằng ngày tại Irak là điều không xứng đáng với con người và bất kỳ người công chính nào cũng không thể chấp nhận được tình trạng đó. Ngài cho biết giáo phận Basra mặc dù phương tiện hạn chế, vẫn cố gắng trợ giúp các nạn nhân bao nhiêu có thể, như mở phòng phát thuốc miễn phí cho người nghèo, hoặc cung cấp dụng cụ cho 1 ngàn trẻ em học sinh Irak. (CNS 22-8-2002)

ÐỨC TGM KONDRUSIEWICZ PHÊ BÌNH TỔNG THỐNG NGA

MASCƠVA. Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, TGM giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở thủ đô Mascơva, phê bình tổng thống Vladimir Putin, đã bênh vực biện pháp trục xuất 1 GM và 2 LM thừa sai tại Nga.

Hồi tháng 4 năm nay, Ðức Cha Jerzy Mazur, người Ba Lan, GM giáo phận Irkutsk ở miền Ðông Siberi, đã bị các giới chức hải quan Nga thu hồi thị thực ở phi trường và không cho trở lại giáo phận của ngài nữa. Trước đó 1 LM thừa sai Italia, cha Stefano Caprio cũng bị số phận tương tự sau 13 năm hoạt động tại Nga, và mới đây đến phiên một LM thừa sai người Slovak cũng bị trục xuất theo kiểu đó.

Bộ ngoại giao Tòa Thánh và chính ÐTC đã gửi thư riêng đến tổng thống Putin để thỉnh cầu giải quyết vụ này, nhưng vài tháng sau, tổng thống Putin mới trả lời ÐTC và nói rằng quyết định từ chối thị thực nhập cảnh đối với Ðức Cha Mazur và cha Caprio là "một biện pháp thông thường của một quốc gia có chủ quyền đối với các công dân nước ngoài", chứ không phải là kết quả của một chiến dịch nhắm chống lại Giáo Hội Công Giáo.

Nhận định về thái độ của tổng thống Putin, Ðức TGM Kondrusiewicz, cũng là Chủ tịch HÐGM Nga nói rằng câu trả lời của tổng thống Putin là một dấu hiệu báo trước một tương lai khó khăn đối với Giáo Hội Công Giáo tại Nga và đang cần được hỗ trợ mạnh mẽ. Ðức TGM tin rằng hiện nay Nhà cầm quyền Nga đã chuẩn bị một danh sách các giáo sĩ Công Giáo khác để trục xuất hàng loạt ra khỏi Nga. Sự kiện mới đây Nhà cầm quyền Nga từ chối không cho cha Stanislav Krajak được trở lại Nga chứng tỏ một sự leo thang chống lại Giáo Hội Công Giáo tại đây. (CNS 22-8-2002)

GIỚI THIỆU TẤM HÌNH CHỤP 1,5 TRIỆU NGƯỜI DỰ LỄ ÐTC TẠI BA LAN

VARSAVA. Hôm 22-8-2002, 3 người thợ chụp hình người Ba Lan, đã giới thiệu bức hình vĩ đại họ chụp được 1 triệu 500 ngàn người tham dự thánh lễ ÐTC cử hành tại công viên Blonie, ở Cracovia, hôm 18-8 vừa qua, nhân lễ tôn phong 4 vị chân phước mới người Ba Lan.

3 chuyên gia nhiếp ảnh là ông Slowomir Pultyn, Jerzy Rados và Jacek Woloski, đã dùng 5 máy chụp hình lớn có thể chụp quang cảnh rộng tới 300 độ. Họ nói rằng đây là bức hình lớn nhất thế giới trong đó người ta có thể nhận ra khuôn mặt của từng người dự lễ, dĩ nhiên là phải dùng kính phóng đại.

Bức hình được trình bày với giới báo chí ở thủ đô Varsava hôm thứ năm vừa qua (22-8), rộng 60 centimét và dài 6 mét. Tuy nhiên, để có thể nhận diện dễ dàng khuôn mặt của mỗi người dự lễ, thì cần phải phóng to hơn với chiều kích rộng 2 mét và dài 24 mét. Một tấm hình với chiều kích vĩ đại này sẽ được gửi tặng ÐTC trong tháng 9 tới đây, trên đó người ta thấy ngài đang ở hàng đầu và chào thăm các tín hữu. Bức hình vĩ đại này cũng sẽ được cắt thành từng mảnh nhỏ và ấn hành thành một tập hình dầy 144 trang, được bán với giá 2 Euro (10 zlotys) và có tựa đề là "Bức ảnh gia đình với ÐGH" (EFE 22-8-2002)

ẢNH ÐỨC MẸ TRUNG HOA ÐƯỢC CUNG HIẾN TẠI ÐỀN THÁNH QUỐC GIA HOA KỲ

WASHINGTON. Bức ảnh khảm Ðức Mẹ Trung Hoa đã được thánh hiến trong thánh lễ đặc biệt ngày 3-8-2002 tại Ðền thánh Quốc gia Ðức Mẹ Vô nhiễm ở thủ đô Hoa Kỳ.

Bức ảnh cao gần 4 mét mô tả Ðức Mẹ với khuôn mặt và y phục đặc thù của Trung Hoa cùng với Chúa Hài Ðồng, do các thợ người Ý thực hiện. Các tín hữu Công Giáo người Mỹ gốc Hoa ở Tổng giáo phận Washington đã đề ra sáng kiến vẽ ảnh Ðức Mẹ tại Ðền thánh quốc gia Hoa Kỳ. Tại đây đã có rất nhiều tượng ảnh Ðức Mẹ của các sắc dân khác nhau. Dự án đặt ảnh Ðức Mẹ Lavang của Việt Nam cũng đang được tiến hành.

Tham dự lễ thánh hiến ảnh Ðức Mẹ có khoảng 1 ngàn tín hữu Công Giáo người Hoa đến từ nhiều nơi ở Hoa Kỳ. ÐHY Theodore McCarrick, TGM giáo phận Washington sở tại, đã chủ sự thánh lễ, cùng với 3 GM khác, trong đó có Ðức Cha Gioan Thang Hán, GM phụ tá giáo phận Hồng Kông.

Tại Mỹ hiện có hơn 100 ngàn tín hữu Công Giáo người Hoa. (CNS 8-8-2002)

TỔ CHỨC TRỢ GIÚP CÁC GIÁO HỘI ÐAU KHỔ QUYÊN KỶ LỤC TRONG NĂM QUA

FRANKFURT. Tổ chức bác ái "Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ" đã quyên được ngân khoản kỷ lục trong năm qua: 79 triệu 100 ngàn Euro, tức là tăng 13 triệu 200 ngàn Euro so với năm 2000 trước đó.

Ngân khoản vừa nói do hơn 360 ngàn ân nhân tại 17 quốc gia Âu Châu và Ðại Dương Châu đóng góp, và được dùng để tài trợ 6.700 dự án tại 134 quốc gia.

Trong thông cáo công bố hôm 5-8-2002, Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ, có trụ sở ở Koenigstein, gần thành phố Frankfurt bên Ðức, cho biết đã gia tăng việc tài trợ xây cất các chủng viện tại Mỹ châu la tinh và Phi châu, cũng như các dự án khác của Giáo Hội tại Á châu, trong đó có việc xây cất các nữ đan viện chiêm niệm. Trong năm qua, tổ chức này đã tài trợ 170 dự án của các nữ tu chiêm niệm tại 37 quốc gia.

Việc nâng đỡ các nữ Ðan viện chiêm niệm vẫn là một trong những mối quan tâm của Cha Werenfried van Straaten, người Sáng lập tổ chức các Giáo Hội đau khổ. Năm 1957, cha đã hứa với ÐHY Wyszynski, Giáo chủ Công Giáo Ba Lan, là sẽ đặc biệt hỗ trợ các nữ tu dòng kín, "qua đời sống thầm lặng, trong kinh nguyện và chiêm niệm, các chị đóng góp vô giá vào đời sống của Giáo Hội". Lời hứa này của vị sáng lập tiếp tục được Ban chấp hành tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ thi hành.

Trong nhiều trường hợp, cơ quan bác ái này cung cấp cho các chị phương tiện để mưu sinh như máy làm bánh lễ, máy khâu, vân vân. Trong năm qua, 116 dự án của 1.500 nữ tu chiêm niệm ở Ba Lan đã được tài trợ. Ðặc biệt 18 nữ tu dòng thánh Clara tại Ðan viện Staryszew không thể trả hóa đơn tiền sưởi và tiền điện, nên đã được cơ quan bác ái này trợ giúp 3.600 mỹ kim trong năm qua.

Việc xây cất các cơ sở tôn giáo và đào tạo chiếm tới 31% tổng số ngân khoản tài trợ của tổ chức trợ giúp các Giáo Hội Ðau Khổ. Việc đào tạo LM, tu sĩ và giáo dân, cũng như việc hộ trợ các cơ quan truyền thông Công Giáo chiếm 16%. (KP 12-8-2002)

THÁNH HIẾN NHÀ THỜ CÔNG GIÁO ÐẦU TIÊN TẠI ATYRAU, KAZAKHSTAN

ASTANA. Nhà thờ Công Giáo đầu tiên của miền giám quản tông tòa Atyrau thuộc cộng hòa Kazakhstan cựu Liên Xô, đã được thánh hiến hôm chúa nhật 4-8-2002.

Thánh đường mang tên là "Nhà thờ Chúa Hiển Dung". Ðức Cha Wiktor Skworc, GM giáo phận Tarnow bên Ba Lan, đã chủ sự lễ thánh hiến. Cùng đồng tế với ngài trong thánh lễ còn có Ðức TGM Jozef Wesoloski, Sứ thần Tòa Thánh tại Kazakhstan và Ðức Cha Tomasz Peta, Giám quản Tông tòa Astana, và một số GM khác ở Kazakhstan, cùng với đại diện các tôn giáo bạn.

Tổ chức bác ái "Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ" đã tài trợ 100 ngàn mỹ kim cho cộng cuộc xây cất thánh đường này tại thành phố Atyrau có 145 ngàn dân cư, ở miền bắc biển Caspienne.

Miền giám quản Tông Tòa Atyrau hiện nay chỉ có 1 giáo xứ tại thành phố này, và một giáo xứ khác ở thành phố Aktioubinsk, cách đó 600 cây số. Trong lãnh thổ của miền giám quản này có khoảng 20 ngàn tín hữu Công Giáo, nhưng chỉ có lối 600 tín hữu tích cực, và được 2 linh mục hướng dẫn.

Trong vòng 4 năm qua, từ 1997 đến 2001, tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ đã tài trợ gần 2 triệu 400 ngàn Euro cho việc mục vụ tại Cộng hòa Kazakhstan (Apic 4-8-2002)

CÔNG GIÁO SĂN SÓC 1/4 CÁC BỆNH NHÂN SIDA TRÊN THẾ GIỚI

FREIBURG. Hiện nay, 1 phần 4 các bệnh nhân Sida trên thế giới, đang được các tổ chức y tế và từ thiện của Giáo Hội Công Giáo săn sóc.

Trong một bài báo đăng trên Nguyệt San Herder Korrespondenz, số ra ngày 26-7-2002 tại thành phố Freiburg, LM Hermann Schalueck, OFM, Chủ tịch Tổ chức bác ái Missio Aachen của Giáo Hội Công Giáo Ðức, nhận định rằng Giáo Hội Công Giáo là tác nhân quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch Sida. Cha Schalueck cũng kêu gọi tất cả các lực lượng xã hội và quốc gia hợp tác với nhau để bài trừ bệnh Sida, ưu tiên dành cho công việc phòng ngừa nơi giới trẻ và trẻ em.

Cha Schlalueck nguyên là bề trên tổng quyền dòng Phanxicô. Cha cho biết Giáo Hội Công Giáo tại miền Nam Phi Châu đang săn sóc mục vụ cho các bệnh nhân Sida, quan tâm phòng ngừa và chữa trị các bệnh nhân, đồng thời chăm sóc các trẻ em mồ côi vì cha mẹ các em thiệt mạng vì Sida.

LM chủ tịch tổ chức Missio bác bỏ lập luận cho rằng sự việc Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận việc sử dụng túi cao su là một vấn đề đặc biệt. Cách tốt nhất để những người độc thân phòng ngừa bệnh Sida là tiết tình dục, và đối với những người kết hôn, phương thức phòng ngừa tốt nhất là trung thành trong hôn nhân. (KNA 26-7-2002)

ÐỨC TGM MARTINO BÁC BỎ NHỮNG LỜI TỐ CÁO CÔNG GIÁO

ROMA. Ðức TGM Renato Martino, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ ở New York, bác bỏ những lời vu khống cho rằng do những nguyên tắc của mình, Giáo Hội Công Giáo ngăn chặn sự phát triển của các dân tộc nghèo nhất.

Ðức TGM Martino cũng là trưởng phái đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về sự phát triển dài hạn, nhóm tại Johannesburg bên Nam Phi từ ngày 26-8 đến 4-9-2002.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Vatican hôm 24-8-2002, Ðức TGM Martino nói: "Không có gì sai lầm cho bằng lời vu khống vừa nói. Ðó là một lời tố cáo vô căn cứ, vì nếu để ý, người ta sẽ thấy rằng tại các nước đang phát triển, Giáo Hội Công Giáo đi hàng đầu và tích cực nhất trong việc thăng tiến sự phát triển. Tại Hội nghị mới đây ở Monterrey bên Mêhicô, một đại biểu đã hỏi tôi: "Giáo Hội Công Giáo làm gì?", tôi đáp: "ngoài việc tham dự các cuộc thảo luận tại các Hội nghị như thế này, Giáo Hội Công Giáo còn dấn thân hàng đầu, qua các phần tử của mình. Bao nhiêu là thừa sai nam nữ và các tín hữu thiện nguyện, bao nhiêu là người của Giáo Hội, thuộc đủ mọi thành phần, đến các nước nghèo để hoạt động, và nhiều người đã trả giá bằng chính mạng sống của mình. Mỗi năm có nhiều người chết vì đã chọn lựa phục vụ anh chị em mình".

Và Ðức TGM Martino nhấn mạnh rằng: "Trong thực tế, Giáo Hội Công Giáo là cơ quan phát triển lớn nhất trên thế giới hiện này. Vì thế những lời vu khống nói trên là vô căn cứ. Các nhà thương, trường học bệnh xá, và bao nhiêu cơ sở xã hội khác đã được Giáo Hội thiết lập trên thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển, chứng tỏ điều đó".

Cũng trong cuộc phỏng vấn, Ðức TGM Martino bác bỏ những lập luận cho rằng vì Giáo Hội không ủng hộ việc hạn chế dân số, nên thế giới có thể không đủ lương thực để nuôi sống dân chúng. Ngài nhắc lại phúc trình mới đây của tổ chức Lương nông quốc tế xá nhận trái đất hiện nay có đủ tài nguyên để nuôi sống dân số thế giới. Ðây cũng là một vấn đề phức tạp, vì nhiều khi việc phân phát, viện trở thực phẩm, không giúp ích cho nền nông nghiệp ở địa phương. Vì thế, tại Hội nghị ở Johannesburg cuối tháng 8 đầu tháng 9-2002, Phái đoàn Tòa Thánh đặc biệt nhấn mạnh đến nước dùng và các vùng thôn quê, vì đây là những khu vực nghèo nhất tại các nước đang phát triển. Các vùng đó vì nghèo nên không được ai chú ý đến, do đó dân chúng ở miền quê đổ về thành thị, và càng gia tăng các vấn đề của các thành phố lớn.

"Do đó, - Ðức TGM Martino nói - cần đặc biệt chú ý đến các vùng quê cũng như vấn đề nước dùng. Trên thế giới hiện có khoảng 3 tỷ người không có đủ nước dùng, trong đó 1 tỷ người thực sự là rất thiếu nước. Ðó là vấn đề mà Phái đoàn Tòa Thánh yêu cầu Hội nghị Thượng đỉnh ở Johannesburg đặc biệt cứu xét và tìm cách giải quyết". (RG 24-8-2002)

HÀNG TRĂM NGÀN TÍN HỮU THAM DỰ ÐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG LA VANG

LA VANG. Hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo đã tham dự Ðại Hội Hành Hương lần thứ 26, tiến hành tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang từ chiều ngày 13 đến 15-8-2002. Ðại hội được tổ chức 3 năm một lần.

Ðại hội năm nay được khai mạc với cuộc rước lúc 3 giờ rưỡi chiều ngày thứ ba, 13-8-2002, với sự tham dự của khoảng 150 ngàn người, đến từ 25 giáo phận toàn quốc, cùng với các đoàn giáo dân sắc tộc, 120 LM và 7 GM.

Tiếp đến, vào lúc 5 giờ chiều, là thánh lễ do Ðức GM Lạng Sơn, Giuse Ngô quang Kiệt chủ tế với chủ đề "Truyền tin". Cùng đồng tế còn có Ðức Cha Têphanô Nguyễn như Thể, TGM giáo phận Huế, và các giám mục giáo phận Vinh, Buôn Mê Thuột, Bùi Chu, Quy Nhơn, và Ðức Cha Phụ tá Hà Nội.

Ðầu Thánh Lễ, Ðức Ðan viện phụ Thiên An tuyên đọc sứ điệp của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi cho Ðại Hội, và sau đó, Cha Tổng Ðại Diện Giáo phận Huế đọc thư của ÐHY Phaolô Giuse Phạm đình Tụng chào mừng Ðại Hội.

Trong bài giảng, Ðức Cha chủ tế đã quảng diễn chủ đề của Ðại Hội là "Cùng Mẹ ra khơi" và ngài mời gọi các tín hữu hãy "tin tưởng tiến bước vì có Mẹ đang đồng hành với chúng ta, và chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được tất cả và sẽ gặt hái được nhiều hoa trái tốt đẹp."

Ban tối, lúc 20g, Rước Kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể quanh trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.

Thánh lễ lúc 5 giờ sáng thứ tư, 14-8-2002, do Ðức Cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ Tịch HÐGM VN chủ tế, cùng với Ðức Tổng Giám mục Huế, 6 GM khác, và 122 linh mục.

Trong bài giảng, Ðức TGM chủ tế đề cao gương Ðức Mẹ Maria ra khơi với một đức tin mạnh mẽ và quyết liệt. Ngài nhấn mạnh rằng: "Một đức tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu là điều rất cần thiết cho chúng ta trong thế giới hiện nay, một thế giới rất cần tình thương vì đang có nhiều hận thù và bạo lực." Ðức TGM cũng mời gọi các tín hữu "tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta thành những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, và hãy ra khơi, nghĩa là hãy tìm đủ mọi cách, tìm đủ mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện để đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là cho những đồng bào Việt Nam thân yêu của chúng ta."

Ngày thứ hai của Ðại Hội hành hương được tiếp nối với các giờ cầu nguyện dành cho các giới. Và vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, có thánh lễ vọng Ðức Mẹ Lên Trời do Ðức TGM Huế chủ tế, với các Giám mục tham dự đồng tế; lần nầy, có sự tham dự của hai Ðức Giám Mục mới đến, là Ðức Cha Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, Giám mục Ðà Nẵng, và Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Phó Phan Thiết. Số người tham dự thánh lễ, trong và ngoài khu vực của Linh Ðịa La Vang, ước lượng được 250.000 người.

Ðại Hội hành hương đã kết thúc với thánh lễ lúc 5 giờ sáng ngày 15-8, do Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, Chủ tịch HÐGM Việt Nam, chủ tế, và sau đó, là Kiệu Ðại Hội Ðức Mẹ La Vang.

KÝ KẾT HIỆP ÐỊNH VỀ TUYÊN ÚY GIỮA TÒA THÁNH VÀ SLOVAK

BRATISLAVA. Hôm 21-8-2002, Tòa Thánh và Cộng hòa Slovak đã ký hiệp định tại thủ đô Bratislava về vấn đề săn sóc mục vụ cho các tín hữu Công Giáo trong quân đội Slovak.

Ðại diện Tòa Thánh ký hiệp định là Ðức TGM Henryk Jozef Nowacki, Sứ Thần Tòa Thánh tại Bratislava, và đại diện chính phủ Slovak là Bộ trưởng quốc phòng, Ông Jozef Stank.

HIện diện tại buổi ký Hiệp định về phía Giáo Hội có Ðức Cha Frantisek Tondra, Chủ tịch HÐGM Slovak và 3 GM khác. Về phía chính phủ Slovak có thủ tướng Mikulas Dzurinda, ngoại trưởng và 2 vị bộ trưởng khác.

Hiệp định dự trù thành lập một Giáo hạt quân đội để đảm bảo việc tuyên úy cho các quân nhân. Hiệp định bắt đầu có hiệu lực sau khi trao đổi văn kiện phê chuẩn.

Trước đây, hồi tháng 12 năm 2000, Tòa Thánh và Cộng hòa Slovak đã ký kết hiệp định cơ bản xác định vị thế pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa này. Hiệp định cơ bản này được bổ túc bằng những hiệp định khác về vấn đề giảng dạy giáo lý Công Giáo tại các trường công lập, vấn đề tài trợ cho Giáo Hội, và việc tuyên úy quân đội.

Trong số 5 triệu dân tại cộng hòa Slovak, có gần 80% là tín hữu Công giáo.

LM TỔNG GIÁM ÐỐC ÐÀI VATICAN PHÊ BÌNH CHÍNH SÁCH CỦA HOA KỲ

ROMA. LM Pasquale Borgomeo S.J, Tổng Giám Ðốc đài Vatican, phê bình chính sách ngày càng đơn phương của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, đồng thời kêu gọi LHQ và Liên hiệp Âu Châu gia tăng việc lãnh nhận trách nhiệm của mình.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Ý của Ðài Vatican, hôm 14-8-2002, Cha Borgomeo nhận định rằng: "LHQ, do bản chất và ơn gọi, đại diện cho toàn thể cộng đồng quốc tế, nhưng lại yếu thế và thiếu phương tiện.

Còn Hoa Kỳ, đang dồn toàn lực vào việc chiến đấu chống nạn khủng bố, nhưng dường như lại không ý thức rằng "hỏa hoạn" hiện nay tại Trung Ðông đang nuôi dưỡng chính nạn khủng bố; vì thế, Hoa Kỳ chỉ dành cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine một sự dấn thân giới hạn so với khả năng và sức mạnh của mình. Còn châu Âu thì vốn có một nền chính trị nổi tiếng là yếu. Nhưng nếu có sự thỏa thuận hơn giữa Âu Châu với đồng minh là siêu cường Hoa Kỳ, thì Âu Châu có thể gián tiếp góp phần củng cố LHQ, và họp thành một mặt trận thống nhất hơn, đồng thời coi việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine như một ưu tiên cần thực hiện trong cuộc chiến chống nạn khủng bố". Cũng trong cuộc phỏng vấn, Cha Borgomeo nhận xét: trong quá khứ, không thiếu những khác biệt và thiếu thông cảm giữa Hoa Kỳ và Âu Châu, nhưng nay những điều đó càng gia tăng do "xu hướng đơn phương" của Mỹ và thái độ của nước này đỐi với hệ thống tư pháp quốc tế. Có nhiều ví dụ về vấn đề này, từ sự chống đối của Mỹ đối với tòa án hình sự quốc tế, cho tới việc Mỹ rút khỏi hiệp định Kyoto về việc bảo vệ môi sinh, từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định về các hỏa tiễn, cho tới sự kiện Mỹ từ chối không cấm mìn chống người, và sự đối xử dành cho các tù nhân ở Guantanamo. Ðặc biệt là Hoa kỳ muốn gây chiến với Irak, trong khi Âu Châu không chấp nhận chủ trương này (RG 14-8-2002)

CÁC GM ÐỨC SẼ SA THẢI NHÂN VIÊN KẾT HÔN VỚI NGƯỜI ÐỒNG PHÁI

BONN. Các GM Ðức cho biết sẽ sa thải những nhân viên nào của Giáo Hội đăng ký như những cặp đồng phái tính tại Văn phòng Hộ tịch của nhà nước, theo luật mới tại nước này.

Cách đây 1 năm, một luật mới đã được ban hành tại Ðức nhìn nhận các cặp đồng phái tính đăng ký tại văn phòng hộ tịch của nhà nước cũng có giá trị tương đương như hôn nhân với nhiều quyền lợi nhưng không được quyền nhận con nuôi. Các GM Ðức nói rằng "luật này mâu thuẫn với lập trường của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình", và nhân viên nào của Giáo Hội Công Giáo đăng ký theo luật này chứng tỏ họ công khai thi hành sự đồng tính luyến ái và không trung thành với Giáo Hội, vì thế, Giáo Hội không thể tiếp tục thu dụng họ làm nhân viên.

Tại Ðức, mặc dù việc kỳ thị vì lý do tín ngưỡng là điều bất hợp pháp, nhưng các Giáo Hội đều có quyền đặc biệt đòi các nhân viên phải sống phù hợp với giáo lý của mình.

Theo một cuộc thăm dò của Hãng tin Công Giáo Ðức, trong vòng 1 năm qua từ sau khi ban hành đạo luật vừa nói, đã có 4.400 cặp đồng phái tính đăng ký nơi các Văn phòng hộ tịch của nhà nước, nhưng không có cặp nào là nhân viên của Giáo Hội Công Giáo.

Các tổ chức bênh vực người đồng tính luyến ái ở Ðức mạnh mẽ phê bình lập trường trên đây của các GM tại nước này. (CNS 13-8-2002)

THỦ LÃNH DO THÁI GIÁO TẠI ANH ÐƯỢC TRẢ LƯƠNG NHIỀU NHẤT

LUÂN ÐÔN. Thủ lãnh Do thái giáo tại Anh, Rabbi trưởng Johnathan Sacks, được lãnh lương cao nhất, trong khi ÐHY TGM Westminster lãnh lương ít nhất.

Tuần báo "Ðộc Lập Chúa Nhật" (Independent on Sunday) số ra ngày 11-8-2002, cho biết Rabbi trưởng Johnathan Sacks, thủ lãnh của 300 ngàn tín hữu Do thái tại Anh, lãnh lương khoảng 160 ngàn mỹ kim mỗi năm, và được hưởng căn nhà tiện nghi ở mạn tây bắc Luân Ðôn với một vợ và ba con.

Ðứng hạng chót về lương bổng là ÐHY Cormac Murphy O'Connor, TGM Westminster, Chủ tịch HÐGM Anh quốc. Ngài chỉ nhận được lối 11 ngàn mỹ kim một năm giống như các cha sở ở Luân Ðôn, và không có gia đình phải cấp dưỡng. Tuy nhiên, ngài được các nữ tu giúp đỡ.

Về phần Ðức TGM Rowam Williams, tân TGM Canterbury, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo kể từ tháng 10 tới đây, ngài lãnh lương 94.500 mỹ kim một năm và có nhiều phụ cấp khác như được hai dinh thự ở Luân Ðôn và Canterbury, một tài xế, một xe limousine để dùng khi thi hành công vụ.

Thủ lãnh Hồi giáo ở Anh quốc, Zaki Badawi, lãnh lương hàng năm là 75 ngàn mỹ kim. (Apic 12-8-2002)

CÁC TÒA GIẢI TỘI TẠI SAN JOSÉ GẮN KIẾNG

SAN JOSÉ. Theo lệnh của Ðức GM sở tại, các giáo xứ tại giáo phận San José, bang California, Hoa Kỳ, bắt đầu gắn kiếng trong suốt tại cửa hoặc tường các phòng giải tội hoặc linh hướng.

Biện pháp trên đây được đề ra, dưới ánh sáng các vụ lạm dụng tính dục do một số LM ở Mỹ. Mặc dù Giáo phận San Jose không hề xảy ra một vụ lạm dụng nào trong tòa giải tội hoặc phòng hòa giải, Ðức Cha Patrick McGrath cũng đề ra biện pháp trên đây, để ngăn ngừa những vụ lạm dụng, và cũng để bảo vệ cho các linh mục khỏi những lời cáo gian.

Bà Roberta Ward, Phát ngôn viên của giáo phận San José cho biết tính đến ngày 13-8-2002, đã có 52 giáo xứ trong giáo phận bắt đầu thực hiện những thay đổi trên đây tại các phòng hòa giải, linh hướng và tòa giải tội. Chương trình thay đổi này sẽ được hoàn tất trễ nhất là tháng 8 năm tới, 2003. Bà Ward cũng nói rằng: 'Biện pháp này nhắm làm cho các tín hữu hoàn toàn cảm thấy an ninh trong việc xưng tội. Và nó cũng không hề cản trở tính chất kín đáo của việc xưng tội". (CNS 14-8-2002)

NHIỀU GM ANH GIÁO CẢNH GIÁC THỦ TƯỚNG BLAIR ÐỪNG TẤN CÔNG IRAK

LUÂN ÐÔN. Nhiều GM Anh giáo tại Anh quốc cảnh giác thủ tướng Tony Blair đừng tấn công Irak, đồng thời các vị cũng kêu gọi giới lãnh đạo Irak hãy để cho các thanh tra của LHQ được tự do điều tra về các kho vũ khí giết người hằng loạt của Irak.

Các GM Anh giáo đã bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ ngoại trưởng Anh, Mike O'Brien, ở Luân Ðôn, hôm 25-7-2002.

ÐGM Anh giáo Tom Butler, thuộc giáo phận Southwarks, nói với với báo chí rằng cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp và tích cực. Các GM đi tới xác tín rằng chính phủ Anh sẽ giải thích rõ ràng về những cách thức đe dọa của Irak trước khi có cách hoạt động quân sự, đồng thời cũng cần có phép của LHQ trước khi tấn công Irak.

Mặt khác, hồi thượng tuần tháng 8-2002, một thỉnh nguyện thư do Phong trào Quốc Tế Pax Christi, Hòa bình của Chúa Kitô, đề ra đã thu thập được chữ ký của 2.500 nhân vật Kitô, gồm cả Công Giáo lẫn Anh giáo, trong số này đặc biệt có vị tân Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, Ðức TGM Rowan Williams, người mới được chỉ định làm TGM Canterbury. Thỉnh nguyện thư có đoạn khẳng định rằng một cuộc tấn công Irak bây giờ là "vô luân và bất hợp pháp", trái với các nguyên tắc của Kitô giáo: Chúng tôi mạnh mẽ lên án mọi hành động quân sự coi cái chết của những người vô tội như một giá phải trả trong cuộc chiến chống nạn khủng bố, vì như thế có nghĩa là dùng khủng bố để bài trừ khủng bố.. Thật là điều đáng tiếc khi các cường quốc nhất trên thế giới tiếp tục coi chiến tranh và đe dọa chiến tranh như một phương thế có thể chấp nhận được trong chính sách đối ngoại, vừa vi phạm luân lý đạo đức của LHQ vừa vi phạm giáo huấn của Kitô giáo".

8.681 CHIM BỒ CÂU BAY TỪ ROMA VỀ BA LAN

ROMA. Một đàn chim bồ câu bay từ Roma đã tới quê hương Ba Lan vào ngày 26-7-2002, như một sự kiện chuẩn bị cuộc viếng thăm của ÐTC tại Ba Lan từ ngày 16 đến 19-8-2002.

Ðoàn chim bồ câu gồm 8.681 con, vốn được nuoio tại nhiều thành thị ở Ba Lan, và đã được các nhà nuôi chim bồ câu ở Ba Lan chở bằng xe vận tải tới Roma. Trưa ngày 23-7-2002, tức là đúng 4 tiếng sau khi ÐTC lên đường đi Toronto, Canada nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ, LM Jozef Zykla thuộc giáo phận Gdansk, tuyên úy các nhà nuôi chim, đã làm phép chúc lành cho đàn chim tại Quảng trường thánh Phêrô, trước khi chúng được thả bay về quê hương Ba Lan, vượt qua quãng đường 1.340 cây số.

Cha Zykla chọn 8.681 con chim bồ câu để dánh dấu số ngày trị vì của Ðức Gioan Phaolô 2 kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 16-10 năm 1978 cho tới ngày 23-7-2002. (CNS 23-7-2002)

TÒA THÁNH VẪN ÐANG CỨU XÉT QUI LUẬT MỚI CỦA HÐGM HOA KỲ VỀ BÀI TRỪ LẠM DỤNG TÍNH DỤC

CRACOVIA. Tòa Thánh vẫn đang cứu xét bản qui luật mới do HÐGM Hoa Kỳ đề ra trong Ðại hội hồi trung tuần tháng 6 vừa qua ở Dallas nhắm bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Tuyên bố hôm 17-8-2002 với giới báo chí quốc tế bên lề chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ba Lan, Ông Navarro Valls, Phát ngôn viên Tòa Thánh, cho biết người ta hy vọng sẽ sớm có câu trả lời cho các GM Hoa kỳ trong thời gian sắp tới đây.

Các GM Mỹ chủ trương tuyệt đối cấm thi hành mục vụ bất kỳ linh mục nào đã lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, dù chỉ một lần mà thôi. Một số người nhận xét rằng qui luật do các GM Mỹ đề ra chứa đựng định nghĩa quá rộng về sự lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và không để ý đủ tới quyền biện hộ của các bị can, đồng thời sẽ làm thương tổn sự tín nhiệm của LM với GM. (KNA 17-8-2002)

ÐHY TGM BERLIN CẢNH GIÁC VỀ CHIẾN TRANH CHỐNG IRAK

BERLIN. ÐHY Georg Sterzinski, TGM giáo phận Berlin thủ đô cộng hòa Liên bang Ðức, kêu gọi quốc tế hãy làm tất cả những gì có thể để ngăn cản cuộc chiến của Hoa Kỳ chống Irak. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài phát thanh SFB ở Berlin hôm 10-8-2002, ÐHY Sterzinski cũng tỏ ra cảm thông với những lời yêu cầu bãi bỏ sự cấm vận kinh tế chống Irak, là những biện pháp đã làm cho 1 triệu 500 ngàn người bị thiệt mạng trong hơn 10 năm qua. Ngài cũng kêu gọi quốc tế trợ giúp nhân dân Irak.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ÐHY Sterzinski bày tỏ mong ước chấm dứt chế độ thống trị của nhà độc tài Saddam Hussein ở Irak, tuy nhiên, những đe dọa chiến tranh của các cường quốc chống Irak là những phương thế đáng đặt câu hỏi. Trái lại, cần phải loại trừ những thế lực từ nước ngoài đang ủng hộ chế độ hiện nay tại Irak. (KNA 10-8-2002)

TÂN CHÍNH PHỦ TCHÈQUE MUỐN GIẢI QUYẾT VẤN ÐỀ TÀI SẢN CỦA GIÁO HỘI

PRAHA. Tân chính phủ Cộng hòa Tchèque do thủ tướng Vladimir Spidla lãnh đạo, tuyên bố muốn giải quyết vấn đề trả lại tài sản cho các Giáo Hội, một vấn đề đã kéo dài từ nhiều năm nay.

Trong buổi trình bày về chương trình hoạt động trước quốc hội Tchèque hôm 7-8-2002, thủ tướng Spidla, thuộc đảng dân chủ xã hội, nhìn nhận rằng các Giáo Hội là thành phần quan trọng của xã hội. Việc tài trợ cho công việc của các Giáo Hội từ nay sẽ được rút từ ngân sách quốc gia.

Các Giáo Hội Kitô tại Tiệp Khắc trước kia đã bị nhà nước cộng sản tịch thu tài sản sau khi lên nắm chính quyền từ năm 1948. Năm sau đó, Nhà nước ban hành luật trả lương cho các linh mục để dễ dàng kiểm soát các giáo sĩ, vì ai có xu hướng chống đối chế độ sẽ bị cúp lương. Luật này, cho đến nay, vẫn còn hiệu lực.

Từ sau cuộc cách mạng năm 1989, Giáo Hội Công Giáo đã nhiều lần xin Chính quyền Tchèque trả lại tài sản, để Giáo Hội có thể tự lập về tài chánh, nhưng vấn đề này cho đến nay chưa được giải quyết.

Cộng hòa Tchèque là quốc gia có mức độ tục hóa cao nhất ở Ðông Âu. Theo thống kê mới nhất, chỉ có 1 phần 3 trong tổng số 10 triệu dân nước này tuyên bố mình thuộc về một Giáo Hội. Với 3 triệu tín hữu, Giáo Hội Công Giáo là tôn giáo lớn nhất tại Tchèque. Tiếp theo đó là Giáo Hội Tin Lành Anh em Boemia có 120 ngàn tín hữu. (KNA 7-8-2002)

PHÁI ÐOÀN LIÊN HÐGM ÂU CHÂU THĂM KAZAKHSTAN

SAINT-GAL. Trong thông cáo công bố hôm 19-8-2002, Văn phòng Liên HÐGM Âu Châu cho biết một phái đoàn 25 người, đa số là các GM thuộc Liên HÐGM Âu Châu do Ðức Cha Chủ tịch Amédée Grab hướng dẫn, đã viếng thăm Cộng hòa Kazakhstan từ ngày 9 đến 16-8-2002.

Phái đoàn GM cho biết đã được các vị chủ chăn của 4 miền Giám quản Tông Tòa ở Kazakhstan cùng với Ðức Sứ Thần Tòa Thánh và các tín hữu tiếp đón nồng nhiệt. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy Kitô giáo đã hiện diện tại phần đất này từ thế kỷ thứ 2, và hiện nay có khoảng 350 ngàn tín hữu Công Giáo sống trên một lãnh thổ mênh mông, rộng hơn 2 triệu 700 ngàn cây số vuông, với tổng số 15 triệu dân, thuộc 110 sắc tộc khác nhau.

Mục đích chính cuộc viếng thăm của Phái đoàn các GM Âu Châu là để tượng niệm nỗi đau khổ và cuộc tử đạo của hàng triệu người dân thuộc nhiều quốc tịch bị chế độ cộng sản lưu đày tới các trại tập trung ở Kazakhstan. Phái đoàn đã cầu nguyện tại nhiều trại tập trung đó, đặc biệt là tại Malinowka, gần Astana. Tại đây, trước đây có trại tập trung lớn nhất chuyên giam các phụ nữ bị lưu đày tới đây, chỉ vì họ là vợ hoặc là mẹ của những thành phần đối lập với chế độ cộng sản.

Một buổi tưởng niệm khác, rất cảm động, đã diễn ra tại trại tập trung Spassk, gần thành phố Karaganda. Tại đây, hồi năm 1941, có tới 60 ngàn tù binh chiến tranh bị Nhà nước Liên Xô giam giữ.

ÐHY TRUJILLO ÐẶC SỨ CỦA ÐTC TẠI ÐẠI HỘI GIA ÐÌNH MANILA

VATICAN. Hôm 24-8-2002, ÐTC đã bổ nhiệm ÐHY Lopez Trujillo, người Colombia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, làm đặc sứ của ngài đến chủ sự cuộc gặp gỡ lần thứ 4 của các gia đình thế giới sẽ tiến hành tại Manila, Phi luật tân, từ ngày 23 đến 26-1 năm 2003.

Cho đến nay, người ta chưa biết ÐTC có đến chủ tọa cuộc gặp gỡ này hay không. Ðức Ông Renato Boccardo, người đặc trách việc chuẩn bị các chuyến viếng thăm của ÐTC tại hải ngoại nói với giới báo chí rằng: tôi chưa nhận được lệnh sang Manila để xem xét tình hình.

ÐTC đã có mặt tại 3 cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới trước đây: lần đầu tiên năm 1994 và lần thứ ba năm 2000 tại Roma, và lần thứ 2 hồi năm 1997 tại Rio de Janeiro bên Brazil.

Mặt khác, hôm 24-8-2002, Phòng báo chí Tòa Thánh cũng công bố danh sách phái đoàn Tòa Thánh tới Los Angeles Hoa Kỳ nhân dịp khánh thành Nhà thờ Chính tòa mới của giáo phận này vào ngày 2-9-2002. Trưởng phái đoàn và cũng là Ðặc sứ của ÐTC, là ÐHY James Stafford, người Mỹ, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về giáo dân. Trong phái đoàn còn có 2 LM đang làm Cha sở tại Los Angeles.

Trong thư bổ nhiệm ÐHY Stafford làm Ðặc Sứ, ÐTC bày tỏ lòng gần gũi quí mến và chia vui với toàn thể Tổng giáo phận Los Angeles nhân biến cố đặc biệt sắp tới đây. (SD 24-8-2002)

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI GUATEMALA ÐƯỢC CỦNG CỐ NHỜ ÐTC VIẾNG THĂM

THÀNH PHỐ GUATEMALA. Ðức Cha Fernando Claudio Gamalero GM giáo phận Escuintla, cho biết Giáo Hội Công Giáo tại Guatemala được củng cố mạnh mẽ nhờ cuộc viếng thăm của ÐTC tại đây từ 29 đến 30-7-2002.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo "Prensa Libre" số ra ngày 16-8-2002 ở thành phố Guatemala, Ðức Cha Gamalero cho biết cuộc viếng thăm của ÐTC đã làm giảm bớt con số các tín hữu Công Giáo ngả theo các giáo phái Tin Lành tại nước này.

Trong những năm trước đây, số tín hữu Công Giáo tại Guatemala giảm từ 99% dân số xuống còn 70% do sự kiện nhiều người Công Giáo đi theo Tin Lành. Thậm chí tại một số miền, số nhà thờ Tin Lành nhiều hơn số nhà thờ Công Giáo.

Cuộc viếng thăm mới đây của ÐTC với lễ tôn phong vị hiển thánh đầu tiên của Giáo Hội tại Guatemala là thầy Pedro de Betancur, đã mang lại cho Giáo Hội Công Giáo tại đây một là sinh lực mạnh mẽ trong việc rao giảng Tin Mừng. (KNA 16-8-2002)

CÁC NHÂN VIÊN GIÁO HỘI TỐ GIÁC NẠN SÁT HẠI TRẺ NỮ SƠ SINH Ở ẤN

MADRAS. Một số nhân viên Giáo Hội Công Giáo tố giác hiện tượng sát hại trẻ nữ sơ sinh tại một số nơi ở miền nam Ấn độ, mặc dù có những cố gắng của chính phủ và các tổ chức thiện nguyện chống lại tệ đoan này.

LM Jayaraj, thuộc dòng thánh Clarét, Giám đốc một trung tâm tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi, tại Ấn cho biết nạn sát hại trẻ nữ sơ sinh khiến cho tỷ lệ trẻ em và trẻ nữ bị chênh lệch trầm trọng tại nhiều làng ở bang Tamil Nadu. Ví dụ tại huyện Andipatti, cách thủ đô New Delhi 2.560 cây số về hướng nam, cứ 1 ngàn trẻ nam thì chỉ có 870 trẻ nữ, theo thống kê của bộ y tế bang Tamil Nadu. Bộ này ghi nhận rằng trong năm qua, tại huyện Andipatti, có ít nhất 43 trẻ nữ sơ sinh bị cha mẹ sát hại, trong tổng số 1.818 trẻ nữ sinh ra tại đây.

Tại huyện Kadamaligundu, có 26 trẻ nữ sơ sinh bị thiệt mạng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7-2002, phần lớn là bị giết.

Nạn giết trẻ nữ sơ sinh càng được xã hội ở bang này chấp nhận, vì những đòi hỏi của hồi môn gia tăng trong hai thập niên qua. Ví dụ một tá điền lãnh lương 50 xu mỹ kim một ngày, khi gả chồng cho con gái, ông ta phải cho con rể ít là 1 ngàn mỹ kim. Thêm vào đó, người cha ấy phải đãi tiệc cả làng khi con cái đến tuổi dậy thì và trong dịp con gái thành hôn. Sự kiện đó khiến cho nhiều cha mẹ ở bang Tamil Nadu không muốn có con gái (CNS 23-8-2002)

CÔNG GIÁO ANH QUỐC LẬP CƠ QUAN TRUYỀN GIÁO

LUÂN ÐÔN. Giáo Hội Công Giáo tại Anh quốc thiết lập một cơ quan mới để đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin Mừng tại đây, đứng trước tình trạng tôn giáo sa xút tại nước này.

Trong vòng 10 năm qua, số LM tại Anh quốc giảm mất 170 vị, tức là từ 6.261 LM xuống còn 6.090. Ngoài ra, số tín hữu tham dự thánh lễ Chúa nhật giảm gần 25%.

Con số trên đây được trình bày trong một phúc trình do HÐGM Anh công bố hồi đầu tháng 8 này dựa trên nghiên cứu của hai chuyên gia là Ông Philip Knights, thuộc Hội thừa sai Công Giáo, và Ông Andrea Murray, thuộc Học viện Ushaw. Hai ông này đã phỏng vấn 1.200 tín hữu thực hành đạo, lối 100 LM, GM và nhân viên của các giáo phận.

Phúc trình cho thấy phương thức "hoán cải" hữu hiệu nhất đối với 4 triệu tín hữu Công Giáo ở Anh là tăng cường việc việc mục vụ gia đình và giới trẻ.

Tại Anh quốc, các Giáo Hội Kitô khác như Anh giáo hoặc Tin Lành cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trước sự sa xút việc thực hành đạo nơi các tín hữu (Apic 22-8-2002)

ÐỒNG EURO VATICAN BỊ ÐẶT MUA HẾT TRƯỚC KHI PHÁT HÀNH ÐỢT HAI

VATICAN. Ðồng Euro của Vatican đã được đặt mua hết trước khi phát hành đợt hai vào ngày 10 tháng 9-2002.

Hồi hạ tuần tháng 8-2002, Sở Tiền Cắc của Vatican đã phải rút điện thoại để khỏi phải trả lời, cho hằng trăm người gọi tới để đặt mua, rằng số tiền Euro mới sắp phát hành đã bị đặt mua hết rồi.

Hồi tháng 3 năm nay, trong đợt phát hành lần đầu tiên, 65 ngàn bộ tiền Euro Vatican đã được bán hết trong vòng 4 ngày. 8 đồng tiền cắc với trị giá thực là 3,88 Euro, được bán với giá 12 Euro cho người sưu tập. Giới báo chí nói rằng có những người sẵn sàng mua lại bộ Euro như thế với giá chợ đen là 500 Euro, tức là gấp hơn 40 lần.

Sở dĩ tiền Euro Vatican "có giá" như vậy là vì khan hiếm, bởi lẽ Liên hiệp Âu Châu chỉ cho Quốc gia nhỏ bé này ấn hành loại tiền này với một số lượng rất giới hạn. (Ansa 21-8-2002)

ÐỨC TGM GEORGE PELL, SYDNEY BỊ TỐ CÁO

SYDNEY. Ðức Cha Georg Pell, TGM giáo phận Sydney, là giáo phận lớn nhất ở Úc, bị một người tố cáo là đã lạm dụng tính dục của ông ta cách đây 40 năm, khi ông là một thiếu niên 12 tuổi, và lúc đó ngài là một chủng sinh 21 tuổi.

Trong thông cáo công bố hôm 20-8-2002, Ðức Cha Georg Pell mạnh mẽ phủ nhận và nói rằng những lời tố cáo đó hoàn toàn là dối trá và sai lầm. Sự kiện đó không hề xảy ra.

Ðức TGM Pell cũng tuyên bố "vì lợi ích của Giáo Hội và phẩm giá của chức vụ TGM, tôi tự quyết định tạm ngưng chức vụ TGM giáo phận Sydney, trong khi chờ đợi một Ủy ban độc lập điều tra về vụ này."

Vị thiết lập Ủy ban điều tra là Ðức TGM Philip Wilson của giáo phận Adelaide, quyền Chủ tịch Ủy ban toàn quốc về các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Cựu Thẩm phán của tòa án tối cao bang Victoria, Ông Alec Southwell, sẽ thực hiện cuộc điều tra này.

Ðức TGM Pell chào mừng cuộc điều tra và ngài gọi đó là một cơ may để trả lại thanh danh cho ngài. Ðức TGM nói: "Tôi không ở trên dân luật và giáo luật. Tôi đã từng đi hàng đầu trong việc lên án những vụ lạm dụng trong Giáo Hội tại Úc. Cách đây 6 năm, tôi đã thành lập Ủy ban độc lập đầu tiên tại Úc để điều tra về những vụ lạm dụng tính dục do giáo sĩ Công Giáo. Nay sự kiện người ta cho rằng tôi can dự vào sự ác này, thật là một hành vi trả thù bẩn thỉu nhất". Ðức TGM Pell cho biết hoàn toàn sẵn sàng cộng tác vào cuộc điều tra này.

Thủ tướng Úc, Ông John Howard, cũng bênh vực Ðức TGM Pell và nói rằng "Tôi hoàn toàn tin lời phủ nhận của Ðức TGM Georg Pell". Nhiều vị bộ trưởng trong chính phủ Úc cũng lên tiếng ủng hộ Ðức TGM.

Người đưa ra lời tố cáo Ðức TGM Georg Pell là một người ẩn danh và họ đã gửi đơn tố cáo tới Ủy ban Quốc gia về tiêu chuẩn nghề nghiệp. Ðương sự được khuyên và khuyến khích trình vụ này cho cảnh sát, nhưng cho đến nay, đương sự từ chối làm như vậy.

Giới báo chí khui ra sự kiện kẻ tố cáo Ðức TGM Pell là một người đàn ông năm nay 52 tuổi, đã từng bị kết án 40 lần vì các tội lường gạt, và buôn bán ma túy. Ông ta kể rằng trong một trại hè đã bị một người tên là "Big Georg" sờ mó bậy bạ. Và ông ta cho biết gần đây coi Tivi thấy hình TGM Georg Pell mới nhớ ra và tố cáo. Tuy nhiên, một số báo chí nói rằng đương sự đọc báo thấy có tin là giáo phận trả tiền cho những kẻ tố cáo giáo sĩ lạm dụng tính dục, nếu đương sự giữ im lặng, và có lẽ vì thế ông ta cũng muốn thử thời vận để kiếm tiền.

Ðây không phải là lần đầu tiên một vị lãnh đạo Công Giáo bị cáo gian. Ðức Cố HY Joseph Bernardin, TGM Chicago, và ÐHY Roger Mahony, TGM Los Angeles, đã bị cáo gian và các Ủy ban điều tra đã xác nhận sự cáo gian đó. ÐHY Christoph Schoenborn, TGM thủ đô Vienne, bên Áo, cũng đã từng bị cáo gian là đồng tính luyến ái. (RG 22-9-2002)

TÒA THÁNH CHO PHÉP QUAY MỘT CUỐN PHIM VỀ CUỘC ÐỜI ÐỨC GIOAN PHAOLÔ 2

VATICAN. Tòa Thánh đã cho phép quay một cuốn phim về cuộc đời của Ðức Gioan Phaolô 2, từ thời niên thiếu cho đến khi được bầu làm Giáo Hoàng hồi tháng 10 năm 1978.

Sự dàn cảnh cuốn phim này dựa trên cuốn tiểu sử ÐGH do ông Gianfranco Svidercoschi biên soạn với tựa đề "Lịch sử Karol". Ông Svidercoschi gốc Ba Lan, nguyên là Phó giám đốc Nhật báo "Quan sát viên Roma" của Tòa Thánh. Cuốn phim do nhà sản xuất Pietro Valsecchi thực hiện, với sự cộng của tài tử Luca Zingaretti, thủ vai Karol Wojtila. Phần lớn cuốn phim kể lại thời thanh xuân của ÐGH, kinh nghiệm của ngài trong thế chiến thứ hai, và sự chống đối của ngài đối với chế độ cộng sản ở Ba Lan. Phim cũng trình bày cuộc sống của thanh niên Karol trước khi theo đuổi ơn gọi linh mục.

Phim bắt đầu được quay từ tháng 9 năm tới, 2003, và sau đó sẽ được chiếu trên đài truyền hình kênh 5 ở Italia. (Apic 19-8-2002)

HỘI TRỢ GIÚP PHƯƠNG TIỆN CHUYÊN CHỞ TRUYỀN GIÁO TẠI ÁO GIÚP 15 NGÀN XE HƠI

LINZ. Mới đây, Hội trợ giúp phương tiện truyền giáo ở Áo, gọi tắt là MIVA, đã trao tặng chiếc xe hơi thứ 15.000 cho giáo phận Mpanda ở Tanzania bên Phi Châu.

Hội MIVA được thành lập cách đây 53 năm (1949) với mục đích giúp đỡ các xứ truyền giáo có phương tiện di chuyển trong các hoạt động truyền giảng Tin Mừng và mục vụ. Từ khi thành lập đến nay, Hội này đã trợ giúp 15 ngàn xe hơi cho các xứ truyền giáo. Riêng trong năm 2001, ngân khoản được dành cho việc tài trợ này là 4 triệu 130 ngàn Euro, cung cấp 781 phương tiện chuyên chở cho các miền truyền giáo.

Trong những ngày qua, Ông Franz KumpfMueller, Giám đốc Hội MIVA đã tới Tanzania để trao chìa khóa và chiếc xe Toyota trị giá 10 ngàn Euro cho Ðức Cha Pascal Kikoti, GM giáo phận Mpanda bên bờ hồ Tanzania. Giáo phận này có 600 ngàn dân cư, trong đó một nửa là tín hữu Công Giáo, với 7 giáo xứ và hơn 300 giáo họ, do Ðức GM và 14 linh mục săn sóc. Chiếc xe mới được dùng vào việc viếng thăm các xứ tạo, đi dạy giáo lý và huấn luyện các giáo lý viên.

Ngân khoản mua xe Toyota nói trên là do các độc giả Tuần báo của giáo phận Linz và quĩ của giáo phận này đóng góp. (KP 19-8-2002)